Bác sĩ tĩnh mạch
coi chừng giãn tĩnh mạch ẩn giấu

Coi chừng giãn tĩnh mạch ẩn giấu

Nhiều người không thấy dấu hiệu tĩnh mạch nào ở chân bị giãn nhưng lại bị giãn tĩnh mạch dạng “ẩn giấu”. Các tĩnh mạch giãn to nhưng bị che khuất và không thể được nhìn thấy.

Khi mắc chứng giãn tĩnh mạch ẩn giấu, người bệnh sẽ không tự phát hiện bệnh và việc chẩn đoán bệnh cũng khó hơn. Làm sao để phát hiện được bệnh sớm?

Coi chừng nhầm với bệnh xương khớp

Chị T.L. 32 tuổi, có 2 con, công nhân ở Tiền Giang. Sau khi sinh bé thứ hai một thời gian, chiều đi làm về chị thấy chân thật mỏi. Tình trạng này tăng dần và sau đó xuất hiện thêm đau nhức chân khi đứng làm việc. Đêm ngủ, chị phải gác chân cao lên tường để bớt đau và giảm cảm giác khó chịu.

Chị cứ chịu đựng như thế nhiều năm vì nghĩ mình bị bệnh xương khớp. Mãi gần đây, khi đi khám chuyên khoa mạch máu, được chẩn đoán giãn tĩnh mạch, chị vẫn chưa tin hẳn vì chẳng thấy tí tĩnh mạch nào xuất hiện ở chân bị giãn. Bác sĩ giải thích chị bị giãn tĩnh mạch dạng “ẩn giấu”.

Các nghiên cứu cho thấy cứ 10 người lớn thì có đến 3 người mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân. Ở các trường hợp đơn giản, bệnh rất dễ nhận biết với các đường gân xanh giãn to, nổi ngoằn ngoèo dưới da, tạo nên các búi tĩnh mạch phình to ở vùng cẳng chân.

Trái lại, có khi các tĩnh mạch giãn to nhưng bị che khuất và không thể được nhìn thấy. Khi đó, người bệnh sẽ không tự phát hiện bệnh và việc chẩn đoán bệnh cũng khó hơn, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.

Lưu ý khi đau nhức nhiều

Để phát hiện bệnh, chúng ta cần dựa trước tiên vào các biểu hiện ở chân, đó thường là cảm giác đau nhức chân và những triệu chứng khó chịu khác như nặng chân, mỏi chân, cảm giác nóng, ngứa, và co cứng hay chuột rút về đêm.

Tuy nhiên, đau và cảm giác khó chịu ở chân còn có thể do một số nguyên nhân khác như bệnh thần kinh, cơ xương khớp…

Do vậy, một đặc điểm quan trọng cần chú ý để phân biệt là: những triệu chứng do tĩnh mạch gần như luôn liên quan đến tư thế, có nghĩa là đau nhức sẽ tăng lên khi người bệnh đứng lâu hay ngồi lâu và giảm bớt khi bệnh nhân nằm nghỉ hay gác chân lên cao. Bên cạnh đó, các triệu chứng này có thể nặng lên trong khi hành kinh, giảm bớt khi mang vớ tĩnh mạch hoặc khi tuân thủ chế độ tập luyện thể dục phù hợp thường xuyên cho hai chân.

Dùng phương tiện chẩn đoán hình ảnh chính xác

bệnh tĩnh mạch ẩn giấu
Siêu âm tĩnh mạch – Ảnh: BS LÊ THANH PHONG

Một khi có các dấu hiệu gợi ý bệnh giãn tĩnh mạch ẩn giấu, bệnh nhân nên được siêu âm mạch máu bởi các bác sĩ chuyên khoa. Cũng như các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác, sự chính xác của siêu âm chẩn đoán phụ thuộc hai yếu tố: chất lượng máy siêu âm, trình độ và kinh nghiệm người thực hiện.

Những thế hệ máy siêu âm hiện đại cho phép khảo sát gần như tất cả các tĩnh mạch ở chân và cả dòng chảy trong tĩnh mạch một cách chính xác. Mặc dù vậy, khi người thực hiện không được đào tạo chuyên sâu và không thực hiện siêu âm tĩnh mạch thường xuyên, sự chính xác sẽ không trọn vẹn.

Theo khuyến cáo, siêu âm tĩnh mạch nên thực hiện ở tư thế đứng. Ở tư thế này máu trong tĩnh mạch sẽ có khuynh hướng chảy ngược về phía bàn chân dưới tác động của trọng lực và vì thế cho phép đánh giá hoạt động của các van tĩnh mạch và dòng chảy trong tĩnh mạch một cách chính xác nhất, cũng như cho phép thực hiện dễ dàng các nghiệm pháp giúp phát hiện đoạn tĩnh mạch bệnh. Bên cạnh đó, thời gian siêu âm cần đủ lâu để khảo sát toàn diện hệ tĩnh mạch hai chân mà không bỏ sót các tĩnh mạch bệnh nào ở chân.