Bác sĩ tĩnh mạch
Huyết khối tĩnh mạch sâu là gì

Huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là một bệnh thường gặp và nguy hiểm. Biến chứng nặng nề nhất xảy ra khi máu đông trôi từ chân lên phổi gây thuyên tắc động mạch phổi, có thể gây tử vong đột ngột; nhẹ hơn là tình trạng suy tĩnh mạch hậu huyết khối với chân sưng to và lở loét

Huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?

Tĩnh mạch có cấu tạo như một mạng lưới bao gồm các cấu trúc hình ống. Các tĩnh mạch nhỏ ở xa sẽ dẫn máu về các tĩnh mạch lớn hơn và sau đó sẽ đổ về tim.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng máu trong lòng các tĩnh mạch sâu bị vón lại thành cục máu đông, cục máu đông sau đó sẽ lớn dần, lan rộng hơn, chiếm chỗ trong lòng tĩnh mạch gây cản trở dòng máu trở về tim, ứ đọng máu ở chân. Ngoài ra, huyết khối có thể di chuyển về tim sau đó được bơm lên phổi gây nên bệnh thuyên tắc động mạch phổi. 

huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu

Nguyên nhân gây bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây nên huyết khối tĩnh mạch sâu như tiền sử bản thân người đó và gia đình bị huyết khối tĩnh mạch, mắc bệnh ác tính, đang điều trị ung thư như hoá trị, xạ trị hay điều trị nội tiết tố; có thai, hậu sản, đang sử dụng thuốc ngừa thai có chứa Estrogen, sử dụng thuốc nội tiết tố thay thế, nằm bất động kéo dài…

Có 3 nguyên nhân chính tạo nên huyết khối tĩnh mạch sâu. (1) Tình trạng dễ đông máu, thường gặp sau phẫu thuật, chấn thương, nhiễm trùng, ung thư hay bệnh dễ đông máu di truyền, (2) Sự ứ đọng máu trong tĩnh mạch, và (3) các tổn thương lớp áo trong tĩnh mạch.

Dấu hiệu nhận biết bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu

Bệnh thường biểu hiện bằng dấu hiệu phù đột ngột một bên chân và đau chân. Phù chân có thể phát hiện khi mang giầy dép bị chật hơn, có vết lõm ở bàn chân ngay vị trí quay giày dép. Hoặc rất dễ nhìn thấy một chân to, chân nhỏ, khi dùng ngón tay ấn vào bàn chân hay cẳng chân bên to sẽ thấy da lõm sâu vào, rất lâu sau mới trở lại bình thường.

Đa phần, người bệnh bị đau nhức chân tự nhiên ở mức độ vừa phải hoặc khi đè ấn vào cẳng chân hoặc khi gấp thụ động mặt lưng bàn chân vào cẳng chân. Ngoài ra, chịu khó quan sát, chúng ta còn có thể nhìn thấy những tĩnh mạch nhỏ li ti mới nổi lên dưới da.

Ở thể nặng có thể thấy chân sưng to cả chân, xanh tím, có thể có những bóng nước trên da vùng cẳng chân và bàn chân. Trường hợp, máu đông trôi lên phổi sẽ có biểu hiện của suy hô hấp như mệt, khó thở,…

Diễn biến tự nhiên của bệnh huyết khối

Cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch theo thời gian sẽ tự tiêu một phần, co nhỏ lại, sau đó xơ hoá và bám vào thành tĩnh mạch và các van tĩnh mạch. Điều này làm cho thành tĩnh mạch dày lên, lòng tĩnh mạch bị hẹp, các van tĩnh mạch bị hư hỏng. Khi đó bệnh nhân sẽ mắc chứng suy tĩnh mạch mạn tính hậu huyết khối với biểu hiện đau chân khi đi đứng, phù chân, thay đổi da ở cẳng chân, bàn chân và lở loét.

Điều trị bệnh huyết khối

Trước đây, bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu thường được điều trị bằng các thuốc kháng đông. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu trên thế giới, những bệnh nhân chỉ điều trị bằng kháng đông, 5 năm sau có đến 90% bị hội chứng suy tĩnh mạch mạn tính hậu huyết khối, 40% xuất hiện cơn đau cách hồi tĩnh mạch (đau và phù chân khi đi lại) và 15% sẽ chuyển thành lở loét ở chân. Ngoài ra, những bệnh nhân điều trị nội khoa đơn thuần còn có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch cấp tái phát dai dẳng cùng với nguy cơ thuyên tắc phổi cao.

 Hiện nay, huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính nếu được phát hiện sớm trong vòng 2 tuần thì có thể được loại bỏ bằng can thiệp nội mạch, phẫu thuật hoặc phối hợp cả 2 biện pháp. Trong đó, can thiệp nội mạch giúp cho phẫu thuật thực hiện dễ dàng và kiểm tra hiệu quả hơn và giúp phát hiện và sửa chữa những thương tổn tắc hẹp của tĩnh mạch bằng cách nong bóng và đặt giá đỡ trong lòng mạch.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh

Các biện pháp phòng ngừa chủ động nên được áp dụng khi chúng ta ở trong nhóm có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu như trình bày ở trên. Chủ yếu can thiệp vào nguyên nhân có thể tạo nên huyết khối tĩnh mạch sâu. Chẳng hạn đối với những người có tiền sử gia đình bị huyết khối tĩnh mạch nên đi làm các xét nghiệm đông máu để chẩn đoán xem có bệnh dễ đông máu di truyền không và có cách dự phòng thích hợp. Dự phòng ở những người phải nằm bất động trong thời gian dài, sau phẫu thuật, bệnh ác tính,…

Có 2 phương pháp cơ bản để phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật. (1) Phương pháp cơ học (vận động sớm sau mổ, tập vật lý trị liệu gấp duỗi cổ chân ở những bệnh nhân bất động, gác chân lên cao, mang vớ áp lực, mang vớ hơi áp lực ngắt quảng nhằm giúp giảm tình trạng ứ đọng tĩnh mạch). (2) Sử dụng thuốc kháng đông làm giảm khả năng đông máu. Các biện pháp này có thể áp dụng riêng hay kết hợp tùy từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra cần chú ý phát hiện sớm bệnh để được điều trị đúng, tránh được các biến chứng nặng nề về sau.

Ngoài các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm huyết khối đóng một vai trò quan trọng giúp điều trị thành công. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể phát hiện tương đối dễ dàng qua siêu âm mạch máu và nếu được phát hiện sớm trước 2 tuần thì việc điều trị can thiệp lấy huyết khối có thể giúp giảm được nguy cơ mắc hội chứng hậu huyết khối về sau.

Bác sĩ Tĩnh mạch với qui trình siêu âm chuẩn mực và chi tiết, có thể chẩn đoán chính xác bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu và gửi người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín để chữa bằng kỹ thuật can thiệp lấy bỏ hoặc ly giải huyết khối.