Bác sĩ tĩnh mạch
Xơ hóa tĩnh mạch dưới

Xơ hoá tĩnh mạch dưới hướng dẫn siêu âm

Tĩnh mạch là gì?

Khi các van trong lòng tĩnh mạch bị hư hại, một phần máu trong tĩnh mạch sẽ chảy theo một chiều ngược với bình thường, có nghĩa là chảy từ trên xuống dưới và từ sâu ra nông. Hiện tượng này làm tăng áp lực trong tĩnh mạch, làm giãn các nhánh tĩnh mạch nông ở chân, dẫn đến hiện tượng viêm tĩnh mạch và gây nên các triệu chứng đau nhức và khó chịu ở chân cũng như các biến chứng từ nhẹ đến nặng khác.

Các triệu chứng đau và khó chịu này làm giảm một cách đáng kể chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh tĩnh mạch. Mặc khác, các tĩnh mạch giãn dưới da này còn ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh, gây mất tự tin, mặc cảm với đôi chân có các đường gân xanh đỏ nổi ngoằn ngoèo dưới da, dẫn đến việc giảm các hoạt động và thay đổi lối sống theo hướng che dấu đôi chân của mình.

Các tĩnh mạch giãn ở chân có thể chia thành 03 nhóm: tĩnh mạch mạng nhện khi có đường kính dưới 1mm, tĩnh mạch lưới có đường kính từ 1-3 mm và giãn tĩnh mạch lớn khi có đường kính trên 3mm.

Trên thực tế, kích thước của các tĩnh mạch giãn có thể không tương quan với triệu chứng đau nhức của chân. Điều này có nghĩa là có những người bệnh có tĩnh mạch giãn rất to nhưng không có triệu chứng đau nhức hay khó chịu ở chân, trong khi có nhiều bệnh nhân chỉ có giãn những tĩnh mạch nhỏ li ti nhưng chân rất đau nhức, khó chịu.

Các nghiên cứu về cơ chế đau trong tĩnh mạch có thể giải thích điều này. Các nghiên cứu cho thấy rằng chính các tĩnh mạch lưới nhỏ khu trú và tĩnh mạch mạng nhện thường gây nên các triệu chứng đau nhức và khó chịu ở chân và tình trạng này sẽ càng tồi tệ hơn khi người bệnh đứng hay ngồi lâu.

Phương pháp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch

Việc điều trị bệnh suy tĩnh mạch, tùy theo mức độ bệnh, cần phải phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để có thể đạt một kết quả tốt nhất. Bên cạnh phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa, mang vớ, tập luyện và thay đổi lối sống, chích xơ các tĩnh mạch nhỏ bị giãn là một phương pháp điều trị rất hiệu quả. Chích xơ tạo bọt không những làm giảm đến 85% các triệu chứng đau nhức và khó chịu ở chân do suy tĩnh mạch, mà còn làm cải thiện đáng kể vẻ thẩm mỹ của đôi chân của người phụ nữ.

Phương pháp này được thực hiện bằng cách tiêm một chất gây xơ hóa vào lòng của tĩnh mạch bị bệnh. Chất gây xơ sẽ làm cho lớp trong của tĩnh mạch bị viêm và sau đó sẽ dính lại với nhau, dòng máu chảy ngược trong các tĩnh mạch khi đó sẽ bị loại bỏ và sau đó các triệu chứng đau nhức hay khó chịu ở chân có nguồn gốc từ việc giãn tĩnh mạch nhỏ này cũng được cải thiện rất đáng kể.

Phương pháp chích xơ đơn giản, ít tốn kém so với các phương pháp điều trị khác, có thể thực hiện ở phòng tiểu phẫu. Thời gian cho mỗi trường hợp chích xơ từ khoảng 10-15 phút và sau đó người được chích xơ có thể về ngay trong ngày.

Lưu ý khi tiến hành điều trị tĩnh mạch bằng phương pháp xơ hóa tĩnh mạch

Một ngày trước khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân được khuyên là không nên cạo lông chân hay thoa chất giữ ẩm ở da cẳng chân. Bởi vì, cạo lông chân có thể sẽ tạo nên những đường trầy trên da làm khó quan sát sự phân bố của tĩnh mạch mạng nhện và thoa chất giữ ẩm sẽ làm cồn sát khuẩn kém hiệu quả trên da và băng keo cầm máu vết chích khó dính. Bệnh nhân nên ăn nhẹ trước thủ thuật.

Số lần chích xơ tùy thuộc vào số lượng tĩnh mạch giãn nhiều hay ít, một chân hay hai chân. Thông thường, lần chích xơ đầu tiên là lần chích thử, với số lượng thuốc ít vào một nhóm tĩnh mạch nhất định, để xem bệnh nhân có dị ứng với thuốc chích xơ, có dung nạp với thuốc. Sau đó bác sĩ sẽ đánh giá lại kết quả thủ thuật, giải thích và thảo luận với người bệnh để tiếp tục thủ thuật triệt để hơn. Thông thường số lần chích xơ cần thiết từ 2-3 lần, cách nhau 4-8 tuần.

Đối với các tĩnh mạch có thể nhìn thấy bằng mắt thường, việc chích xơ thường không quá phức tạp cho dù các tĩnh mạch tương đối nhỏ. Tuy nhiên, đối với những tĩnh mạch nguồn gốc gây bệnh nằm sâu dưới lớp mỡ dưới da, việc tiêm đúng vào mạch không hề đơn giản. Khi đó cần phải có sự hỗ trợ từ siêu âm, để kim gây xơ hoá có thể đưa được đưa vào lòng tĩnh mạch một cách chính xác. Bởi vì, qua siêu âm, chúng ta có thể nhìn thấy rõ các tĩnh mạch bệnh và cả đầu kim dùng để chích xơ. Khi đó, thủ thuật được gọi là xơ hoá tĩnh mạch dưới hướng dẫn của siêu âm.

Sau thủ thuật bệnh nhân nên mang vớ ép liên tục từ 1-3 ngày. Việc mang vớ ép sẽ giúp tĩnh mạch mau tắc và giảm thiểu với thâm đen đối với các tĩnh mạch nằm sát da. Sau đó, bệnh nhân có thể thay thế bằng quấn băng thun hay mang vớ áp lực trong ngày, trừ lúc tắm. Bệnh nhân được khuyến khích đi bộ, và chỉ tránh những hoạt động mang vác nặng làm co cơ hay tăng áp lực trong hệ tĩnh mạch.

Thông thường sau khi chích xơ, các tĩnh mạch bệnh lý sẽ teo nhỏ lại để lại một vết nâu dưới da, gây quan ngại về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên các vết thâm này sẽ biến mất hoàn toàn từ vài tháng đến sau 01 năm. Những tĩnh mạch đã được chích xơ sẽ tắc và ít có khả năng tái phát tại chỗ chích.

Chích xơ tạo bọt cho các tĩnh mạch nhỏ bị giãn là một phương pháp an toàn. Tuy nhiên cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa bởi vì việc tiêm thuốc vào các tĩnh mạch nhỏ li ti không dễ thực hiện. Nếu như tiêm ra ngoài tĩnh mạch, thuốc gây xơ sẽ gây hoại tử da.

Bác sĩ Tĩnh mạch thực hiện thường qui kỹ thuật xơ hoá tĩnh mạch dưới hướng dẫn siêu âm, đảm bảo sự chính xác khi điều trị các tĩnh mạch bị suy giãn nhưng che khuất bởi lớp mỡ dưới da.